Không chỉ sử dụng cho việc buôn bán like, tài khoản cá nhân còn được dùng vào việc đòi nợ, chơi bẩn mà đa số người dùng Facebook không hề hay biết.
"Ngoài hạ uy tín trang bán hàng, các tài khoản này còn được dùng để đòi nợ, bình luận tăng uy tín cho các bài viết. Tất cả tùy thuộc vào nội dung mà người thuê dịch vụ mong muốn", anh Thanh Phú, người làm về dịch vụ Facebook cho biết.
Giá của mỗi lượt bình luận rất đắt, khoảng 600 đồng.
Thay lời không muốn nói
Tương tự cách hoạt động của "thây ma" like dạo, hệ thống tự động bình luận cũng dựa trên chuỗi mã Token, là một đoạn mã sinh ra để định danh tài khoản. Nắm giữ chuỗi mã này, hệ thống có thể thay quyền người dùng mà không cần phải có mật khẩu.
Sau khi có được những mã này, hệ thống do các nhà phát triển sẽ tập hợp lại dùng cho việc bình luận vào các bài đăng trên trang cá nhân cũng như fanpage.
"Facebook phải chấp nhận sống chung với lũ vì họ tạo ra Token để nhà phát triển lập trình các phần mềm quản lý bình luận, quản lý fanpage. Facebook đã có nỗ lực khắc phục nhưng không thể tuyệt đối được", anh Phan Văn Khải, một người am hiểu về các dịch vụ Facebook cho biết.
Khách hàng có thể tùy chọn được nội dung mà mình mong muốn để bình luận không khác gì cách mà người dùng sử dụng Facebook thông thường.
Các bình luận này được phân phối ngẫu nhiên cho các "thây ma" để bình luận vào các bài viết. Việc còn lại là cài đặt thời gian của từng đợt bình luận.
Khổ chủ sẽ không thể nào túc trực để xóa cho xuể hàng trăm bình luận tiêu cực trên bài viết của mình.
Để tăng độ tin cậy cho bình luận, các tài khoản thật thường được sử dụng. |
Khác với việc tự động like, tài khoản được sử dụng để bình luận cần có độ chân thực cao hơn để người xem tin tưởng. Vì vậy nó thường là những nick chính chủ và vẫn còn đang hoạt động.
Đó cũng là lý do nhiều tài khoản cá nhân phát hiện mình bị "thay lời không muốn nói" khi nhận được thông báo khi có ai đó thích hoặc trả lời bình luận của mình.
Chủ tài khoản bất ngờ khi nhận được thông báo khi có người trả lời bình luận của mình. |
Đừng tin vào bình luận
"Tôi mua một chiếc điện thoại iPhone 5S trên fanpage bán hàng tại quận 10. Đọc qua những bình luận đều nói tốt về chiếc điện thoại cũng nhưng uy tín của cửa hàng. Hết thời hạn bảo hành, điện thoại hư mang đi sửa mới biết nó được cấy SIM ghép ở bên trong", anh Thanh Châu (Tân Bình, TP.HCM) kể về một lần đánh giá uy tín cửa hàng thông qua các bình luận.
Giới bán hàng qua Facebook gọi đó là bình luận mồi hay "seeding", "comment phễu". Công cụ này là một phần không thể thiếu trong quy trình bán hàng hoặc ra mắt một sản phẩm, sự kiện nào đó.
Ngoài tăng tín nhiệm hay giảm uy tín một cá nhân tổ chức nào đó, bình luận tự động còn được sử dụng để đòi nợ. |
"Nó có kết quả là do cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam thường có tâm lý đám đông. Một người nói có vẻ không hiệu quả nhưng khi hàng trăm người cùng nói về một ý kiến thì người xem thường sẽ tin theo", anh Khải phân tích về hiệu quả của chiêu trò này.
Trước đây việc seeding được thực hiện thủ công bởi những đội seeder chuyên nghiệp với nhân lực hùng hậu và số tài khoản ảo (clone) khổng lồ. Nhưng giờ đây công việc ấy đã trở nên nhẹ nhàng hơn khi các nhà dịch vụ Facebook tạo ra gói bình luận. Người xem sẽ không thể phân biệt đâu là bình luận thật và đâu là từ đội "auto comment".
Gói tự động bình luận này ngoài việc được sử dụng để seeding còn dùng để đòi nợ vô cùng hiệu quả. Bất cứ bài đăng nào của con nợ đều sẽ nhận được hàng trăm lượt bình luận với nội dung "nhắc nhở" rất hung hãn.
Đối tượng để áp dụng hình thức "đòi nợ công nghệ" này thường là các công ty, doanh nghiệp có fanpage xây dựng thời gian dài và sở hữu lượt tương tác cao.
Với tài khoản cá nhân để tránh việc "báo thù" này người dùng cần bật tính năng không cho phép bình luận từ người lạ trong phần cài đặt. Các fanpage muốn được yên thân thì phải sử dụng các công cụ của bên thứ ba để ẩn bình luận.
"Các chiến dịch spam này thường không được báo trước và diễn ra rất nhanh chóng. Nó ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của người bị hại. Nhưng trước mắt chỉ có cách giải quyết như vậy. Chờ một thời gian mọi việc lắng xuống thì đưa mọi thứ hoạt động lại", anh Phú chia sẻ thêm về giải pháp ngăn chặn spam bình luận.
Trận chiến đánh giá sao
Trước đây đánh giá sao trên fanpage yêu cầu hành vi chủ động từ người dùng, buộc người dùng phải tự đánh giá, ít khi có thủ thuật nào can thiệp được nên người xem thường dựa vào đây để đánh giá uy tín trang. Nhưng hiện nay, qua tay các bên cung cấp dịch vụ nó đã trở nên công nghiệp hơn.
"Có những fanpage hoạt động thời gian dài, độ uy tín cao và sở hữu lượt đánh giá sao rất chất lượng đành phải ngậm ngùi tắt đi tính năng này vì bị đối thủ chơi xấu", anh Nhân chia sẻ về trường hợp đáng tiếc anh từng bắt gặp.
Việc bỏ đi phần đánh giá sao, món quà quý giá từ người dùng là điều không phải fanpage chất lượng nào cũng mong muốn. Nhưng để tránh được những trận "bão một sao" quản trị trang đành phải làm việc này.
Nếu không muốn ẩn phần đánh giá sao, người dùng cần "bơm" vào một lượng lớn 5 sao để có thể cân bằng lại số lượng sao kém. "Có lần mình phải thức trắng đêm để cứu lấy một trang chia sẻ kiến thức về phim bị đối thủ chơi xấu. Hai bên chơi khô máu với nhau xem nguồn lực của ai nhiều hơn để đánh giá sao", anh Phú kể về một chiến dịch nhằm giữ lại khung đánh giá sao của một trang.
Chỉ cần một lượng nhỏ đánh giá kém đã có thể kéo chất lượng trang xuống còn 3,8 sao. |
Dịch vụ đánh giá được cung cấp khá chất lượng, đầy đủ từ sao cho đến bình luận đi kèm. "Cửa hàng uy tín, phục vụ tốt, mình cho 5 sao" là những nội dung dễ bắt gặp trong phần đánh giá trang của một fanpage sử dụng dịch vụ rating này. Ngược lại, muốn chơi xấu nhau họ sẽ dùng những lời lẽ tiêu cực để đánh giá fanpage đối thủ.
Đánh giá sao là một tính năng phổ biến xuất hiện trên rất nhiều nền tảng. Nó giúp người xem đánh giá trải nghiệm bản thân về một fanpage và xem những đánh giá của người khác. Số điểm tổng cuối cùng là trung bình sao của các lượt đánh giá. Thang điểm sử dụng cho đánh giá trên Facebook là từ 1-5 sao.
"Chỉ sau vài giờ chịu những trận càn quét của đội quân seeder, fanpage của con nợ sẽ hoang tàn đổ nát và không còn một chút uy tín nào để có thể tiếp tục hoạt động"- anh Lê Minh Hiệp (Đồng Nai) người làm dịch vụ Facebook. |
Theo Xuân Tiến (Tri Thức Trực Tuyến)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét